MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Nông nghiệp, nông dân và nông thôn (tam nông) luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội. Hiện nay, ở nước ta trên 75% dân số sống ở nông thôn với 73% lực lượng lao động làm việc, sinh sống nhờ vào hoạt động sản xuất nông lâm ngư nghiệp, sản phẩm nông nghiệp trong nước là nguồn cung cấp lương thực thực phẩm cho tiêu dùng, tạo nguyên liệu cho nền sản xuất công nghiệp, cung cấp trực tiếp và gián tiếp cho các ngành kinh tế khác phát triển, tạo sự ổn định, đảm bảo sự bền vững cho xã hội phát triển. Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn phát triển, do điều kiện và bối cảnh khác nhau vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông thôn cũng dần thay đổi và xuất hiện những yếu tố mới.
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW xác định nhiệm vụ xây dựng “Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới”, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 800/QĐ – TTg phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020”. Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, là công việc mới đòi hỏi sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là sự hưởng ứng nhiệt tình của chính người nông dân – chủ thể của quá trình này.
Trong nông nghiệp và nông thôn, vấn đề nông dân luôn có vị trí đặc biệt quan trọng và được Đảng ta xác định là vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam. Trải qua các giai đoạn cách mạng, giai cấp nông dân luôn là lực lượng to lớn đóng góp sức người, sức của cho các nhiệm vụ, mục tiêu bảo vệ, xây dựng đất nước và đi đầu, sáng tạo thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Ngày nay, bước vào thời kỳ xây dựng nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông dân vẫn là lực lượng đông đảo, nòng cốt và chủ yêu tham gia trực tiếp vào quá trình này. Những thành tựu đạt được trong 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 vừa qua là thành quả của toàn Đảng, toàn dân nhưng đặc biệt trong đó có một phần đóng góp đáng tự hào của người nông dân.
Hà Nội là thủ đô của đất nước, là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với xu thế chung của cả nước, Hà Nội đã và đang trong quá trình đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Qua hơn 3 năm thực hiện chương trình, nhờ sự đóng góp chung tay của toàn thể nhân dân thủ đô, nhất là người nông dân, bộ mặt nông thôn mới của thủ đô đã có những khởi sắc rõ nét.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Đặc biệt, nông dân Hà Nội, mặc dù đóng một vai trò vô cùng to lớn trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhưng cho đến nay đời sống của đa số nông dân còn nghèo, còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hơn nữa, việc thực hiện quan điểm của Đảng về việc coi trọng vai trò làm chủ của người nông dân trong xây dựng nông thôn mới còn khá mờ nhạt. Chủ trương “dân biết, dân làm, dân giám sát và dân hưởng thụ” còn nhiều bất cập chưa được tháo gỡ. Tại nhiều địa phương, người nông dân chưa thực sự được tiếp cận với chương trình này và do đó chưa phát huy được vai trò của mình.
Để quá trình xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội đi vào chiều sâu, tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong những năm tiếp theo, đòi hỏi Hà Nội phải nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống chủ trương, chính sách, phương hướng, giải pháp đồng bộ nhằm phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Với tư cách là chủ thể, là lực lượng nòng cốt và chủ yếu trực tiếp tham gia vào sự nghiệp này, điều quan trọng hơn hết là phải khơi dậy cho được niềm tin, lòng nhiệt tình, tính năng động, tích cực sáng taọ của nông dân Hà Nội. Bởi mỗi bước phát triển của nông nghiệp và nông thôn suy cho cùng cũng là nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân. Nông dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng nông thôn mới là do nông dân và vì nông dân. Nhưng chỉ có một mình nông dân không thôi thì vẫn chưa đủ làm nên sự thay đổi nông thôn. Hơn nữa, quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới dưới tác động của nền kinh tế thị trường tất yếu buộc nông dân phải đối mặt với những thách thức không dễ gì tránh khỏi. Vì vậy, sức mạnh của nông dân chỉ có thể nhân đôi và phát huy mạnh mẽ khi có sự quan tâm sâu sát, sự hỗ trợ kịp thời và thường xuyên của các cấp, các ngành địa phương và của cả hệ thống chính trị. Chỉ với tinh thần như thế mới có thể “Phát huy vai trò của nông dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội hiện nay (Qua khảo sát một số huyện)“, đây chính là một vấn đề cấp thiết đang được đặt ra có ý nghĩa lý luận và thực tiễn đối với Hà Nội.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Trong những năm qua, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn tạo được sự quan tâm, chú ý của nhiều bộ, ngành và nhiều nhà khoa học. Đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này ở những góc độ khác nhau, tiêu biểu như:
– Nghiên cứu về nông thôn Việt Nam
+ Các công trình khoa học tập thể:
– “Vấn đề phát triển công nghiệp nông thôn ở nước ta”, Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ – Trung tâm hỗ trợ khoa học và công nghệ phát triển nông thôn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997
– Tài liệu tập huấn: “Phát triển nông nghiệp và nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa” (Tập I và II), Hội khoa học kinh tế Việt Nam – Ban đào tạo và phổ biến kiến thức, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998.
– “Con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn Việt Nam”, Ban Tư tưởng – văn hóa Trung ương – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.
Nhìn chung, các công trình khoa học này đã đề cập đến những nội dung: vai trò của công nghiệp nông thôn; nêu lên thực trạng và đề xuất phương hướng, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên, các công trình trên chưa đi sâu vào vấn đề nông dân.
– Cuốn sách “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam: Hôm nay và mai sau” của Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008 đã nêu bật thực trạng các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay, những thành tựu cũng như khó khăn, vướng mắc còn tồn tại qua hơn 20 năm đổi mới. Xuất phát từ thực tiễn, nhóm tác giả đã đề xuất những định hướng và kiến nghị chính sách nhằm đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng phát triển.
– Hay cuốn “Tâm lý nông dân trong thời kỳ đầu phát triển kinh tế thị trường” của tác giả Vũ Dũng chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002 do Ủy ban khoa học xã hội và Nhân văn đảm nhận là một công trình khảo cứu bổ ích về những chuyển biến trong tâm lý, nhận thức của người nông dân thời kỳ đầu phát triển kinh tế thị trường.
Nhiều bài viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của GS.Đào Thế Tuấn, TS Đặng Kim Sơn, TS Vũ Trọng Bình… đã được đăng trên các tạp chí: Cộng sản, Triết học, Nhà nước và Pháp luật, Thông tin lý luận, Nghiên cứu lý luận…
+ Một số luận án tiến sĩ:
– “Sự chuyển hướng của giai cấp nông dân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Nguyễn Đức Hướng, Luận án tiến sĩ triết học, Hà Nội, 1991.
– “Đặc điểm xu hướng biến đổi của giai cấp nông dân nước ta trong giai đoạn hiện nay” của Bùi Thị Thanh Hương, Luận án tiến sĩ triết học, Hà Nội, 2000.
Các đề tài này bước đầu đi vào nghiên cứu sự phân hóa giàu nghèo, đặc điểm của giai cấp nông dân trong giai đoạn đổi mới đất nước, làm rõ xu hướng biến đổi khách quan của giai cấp nông dân Việt Nam trong thời gian tới, trình bày một số phương hướng, giải pháp đưa giai cấp nông dân Việt Nam phát triển theo hướng xã hội chủ nghĩa,…Các đề tài, luận án này tuy bàn đến đối tượng là nông dân nhưng chưa đi sâu vào vai trò của nông dân cũng như phát huy vai trò của nông dân trong xây dựng nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
+ Ở Hà Nội có:
– Văn kiện Đại hội đảng bộ lần thứ XV tháng 10/2010.
– Chương trình số 02 – CTr/TU ngày 29/8/2011 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân.
Các văn bản của Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội cùng những công trình nghiên cứu khoa học trên là nguồn tài liệu hết sức quan trọng của đề tài. Tôn trọng kết quả của những người đi trước, trên cơ sở kế thừa những thành tựu đó, đề tài “Phát huy vai trò của nông dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội hiện nay” hy vọng sẽ gợi mở cho việc tiếp tục nghiên cứu về nông thôn và người nông dân ở các góc độ khác nhau.
3. Mục đích, nhiệm vụ
3.1. Mục đích nghiên cứu
Phân tích, làm rõ vai trò của nông dân Hà Nội với tư cách là chủ thể, là lực lượng nòng cốt và chủ yếu trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 ở Hà Nội hiện nay. Đánh giá thực trạng, từ đó đề xuất những quan điểm, giải pháp nhằm phát huy vai trò của nông dân trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội hiện nay.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
– Khái quát về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 và vai trò của người nông dân trong thực hiện chương trình này.
– Phân tích làm rõ vai trò của nông dân với tư cách là chủ thể, là lực lượng nòng cốt trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 ở Hà Nội. Đồng thời chỉ ra những nhân tố tác động và điều kiện để phát huy vai trò của nông dân trong xây dựng nông thôn mới.
– Phân tích những yêu cầu của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 đối với nông dân Hà Nội trên cơ sở đối chiếu và đánh giá thực trạng, nêu lên những vấn đề cần được giải quyết trong giai đoạn trước mắt.
– Đề xuất những quan điểm định hướng và giải pháp cơ bản phát huy vai trò của nông dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 ở Hà Nội trong những năm tiếp theo thực hiện chương trình này.
4. Phạm vi nghiên cứu
Nông nghiệp, nông thôn và nông dân là những vấn đề lớn và rất rộng. Trong phạm vi nghiên cứu của luận văn, tác giả giới hạn ở đối tượng nghiên cứu là nông dân Hà Nội, nội dung nghiên cứu là xác định vai trò và việc phát huy vai trò của nông dân Hà Nội trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 ở Hà Nội hiện nay.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
5.1. Cơ sở lý luận
Luận văn được thực hiện dựa trên cơ sở lý luận là quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là nguyên lý của Chủ nghĩa duy vật lịch sử về vai trò của quần chúng nhân dân.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng tổng hợp nhiều phương pháp, trong đó chủ yếu sử dụng phương pháp phân tích – tổng hợp, lịch sử – lôgic, sử dụng tư liệu thực tế của các công trình nghiên cứu đã có, nhất là của một số công trình nghiên cứu về thành phố Hà Nội.
5.3 Đóng góp mới về khoa học của luận văn
– Làm rõ vai trò của nông dân Hà Nội trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 ở Hà Nội.
– Đưa ra một số định hướng, giải pháp cơ bản phát huy vai trò của nông dân Hà Nội trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
– Về lý luận: Luận văn góp phần vào việc tạo được sự nhận thức đúng đắn về vai trò của nông dân Hà Nội. Từ đó giúp lãnh đạo địa phương đưa ra những chủ trương, giải pháp trong việc phát huy vai trò của nông dân Hà Nội trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 ở Hà Nội hiện nay.
– Về thực tiễn: Luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong công tác giảng dạy ở trường Chính trị thành phố, có thể dùng làm tài liệu tham khảo ở các cấp ủy Đảng, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hội nông dân thành phố Hà Nội…
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương, 6 tiết.
Xem thêm: Dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ
Bài viết liên quan
120+ Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực Đạt Kết Quả
Quản trị nguồn nhân lực là đề tài được nhiều học viên tham gia khóa...
Th12
100+Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Huy Động Vốn Đạt Kết Quả Tốt
Tài chính-Ngân hàng là một ngành học được nhiều sinh viên và học viên lựa...
Th11
350+Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Kế Toán Đạt Điểm
Kế toán là một ngành học được rất nhiều bạn lựa chọn cho chương trình...
Th11
150+Đề Tài Xây Dựng Chiến Lược Kinh Doanh, Marketing Cho Doanh Nghiệp
Xây dựng chiến lược kinh doanh, chiến lượng marketing cho doanh nghiệp luôn là mộn...
Th11
200+Đề Tài Phân Tích Báo Cáo Tài Chính-Luận Văn Thạc Sĩ
Để hoàn thành bài luận văn thạc sĩ thì việc lựa trọn đề tài phù...
Th11
250+Đề Tài Các Nhân Tố Ảnh Hưởng-Luận Văn Thạc Sĩ
Luận văn thạc sĩ thường được viết bằng 3 phương pháp định lượng, định tính...
Th11