Bản tóm tắt luận văn: Hệ thống ca dao than thân người Việt từ góc nhìn thi pháp
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Ca dao là một thể loại quan trọng của văn học dân gian; là “tiếng tơ đàn muôn điệu của tâm hồn quần chúng” (Vũ Ngọc Phan); là phương tiện chủ yếu phản ánh những tâm tư và tình cảm của con người trong các mối quan hệ xã hội , gia đình, tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương đất nước… Cùng với ca dao yêu thương tình nghĩa và ca dao hài hước thì ca dao than thân chiếm một phần khá lớn trong kho tàng ca dao người Việt (sách Kho tàng ca dao người Việt do Nguyễn Xuân Kính – Phan Đăng Nhật chủ biên, năm 2001 cho thấy có 12.487 lượt lời).
Việc khám phá hệ thống ca dao than thân người Việt từ góc nhìn thi pháp sẽ cho chúng ta có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về thế giới tình cảm, về quá trình lắng đọng và những giọt nước mắt nuốt ngược vào lòng của người bình dân xưa, đặc biệt là những người lao động, những người phụ nữ và cả những người đàn ông trong xã hội cũ. Mặt khác, mỗi thể loại văn học dân gian lại có cách nói riêng nhằm biểu đạt nội dung riêng của nó. Thi pháp thể loại chính là cách nói riêng ấy. Đối với ca dao than thân cũng vậy, nghiên cứu hệ thống ca dao than thân người Việt từ góc nhìn thi pháp, ta có thể giải mã được những cung bậc cảm xúc, những nốt nhạc tâm hồn và cả những nét đẹp văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần của những người bình dân xưa.
Mặt khác, bản thân là giáo viên dạy bộ môn Ngữ văn ở trường phổ thông; qua thực tiễn giảng dạy bộ môn Ngữ văn ở trường phổ thông tác giả luận văn nhận thấy: mảng ca dao than thân chiếm một tỉ lệ không nhỏ (lớp 7- THCS có 04/16 lời ca, ở THPT- lớp 10 có 03/10 lời ca dao than thân). Điều đó chứng tỏ ca dao thân thân đã được quan tâm ở nhiều cấp học. Tuy nhiên, do thiếu lí luận về phương pháp (ở các trường học giáo viên vẫn tiến hành dạy học theo lối cũ tức là dạy học ca dao như dạy học thơ trữ tình. Cách dạy học này sẽ làm mất đi bản chất của ca dao tức là ít chú ý tới tình huống dân gian và đặc trưng thể loại tất sẽ không thể hiểu được ca dao; đặc biệt là cách dạy học ca dao than thân hiện nay đã biến bài ca dao thành bài dạy xã hội dung tục cằn cỗi), cùng với nó là nhịp sống hiện đại hôm nay, với sự tác động của nhiều loại hình nghệ thuật, có thể học sinh không còn yêu thích với ca dao nói chung và ca dao than thân nói riêng nên việc dạy học ở các trường học vẫn đạt hiệu quả thấp. Việc nghiên cứu “Hệ thống ca dao than thân người Việt từ góc nhìn thi pháp” mong muốn giúp các em hình dung được cái hay, cái đẹp của ca dao than thân nói riêng và ca dao người Việt nói chung; khơi dậy trong các em ý thức dân tộc và niềm say mê, hứng thú với thể loại văn học dân gian cũng như thấy được vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ của người bình dân xưa. Ngoài ra, nghiên cứu hệ thống ca dao than thân người Việt từ góc nhìn thi pháp sẽ giúp tôi thỏa mãn niềm yêu thích của mình.
Từ trước đến nay, ở Việt Nam, đã có nhiều tác giả, công trình, bài viết giới thiệu, nghiên cứu ca dao với một đội ngũ khá hùng hậu và đạt được kết quả đáng khích lệ. Nhưng, cho đến nay, chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu tìm hiểu về “Hệ thống ca dao than thân người Việt từ góc nhìn thi pháp”. Vì vậy, có thể xem đây là “khoảng trống” còn bỏ ngỏ và cần được “lấp đầy”.
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Một số vài viết, công trình nghiên cứu ứng dụng thi pháp ca dao
Từ trước đến nay đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về ca dao từ góc nhìn thi pháp với các vấn đề nổi bật như: thể thơ, kết cấu, các biện pháp tu từ ẩn dụ, so sánh, thời gian không gian nghệ thuật, hình ảnh biểu tượng, đặc điểm ngôn ngữ… Có thể kể đến một số công trình như: “Mấy suy nghĩ về cách hiểu một bài ca dao cổ” của nhà nghiên cứu Hoàng Tiến Tựu, đăng trên Tạp chí Văn học, số 2, năm 1977; “Hiện tượng lời và văn bản khác trong ca dao dân ca” của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Kính, đăng trên Tạp chí Văn học, số 5, năm 1979; “Thi pháp ca dao” của Nguyễn Xuân Đức, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 9, năm 2005; “Giọng điệu ca dao – mấy điều cần làm rõ” của Lê Xuân Mậu, đăng trên Tạp chí Văn hóa dân gian, số 2, năm 2005; Tìm hiểu thi pháp học qua thi pháp ca dao” của Phan Đăng Nhật, đăng trên Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 5, năm 2005…. Đây là những bài viết quy mô nhỏ, trung đi sâu vào phương pháp nghiên cứu thi pháp ca dao trong đó có một số bài quan tâm đến mảng ca dao than thân.
Bên cạnh đó, có thể kể đến những công trình có quy mô lớn hơn nghiên cứu các vấn đề thi pháp ca dao như: Thi pháp ca dao của Nguyễn Xuân Kính, Nxb Khoa học xã hội, năm 1991; Những thế giới nghệ thuật Ca dao của Phạm Thu Yến, Nxb Giáo dục, năm 1998; Thi pháp văn học dân gian của Lê Trường Phát (sách bồi dưỡng thường xuyên chu kỳ 1997- 2000), Nxb Giáo dục, năm 2000 và cuốn Những đặc điểm thi pháp của các thể loại văn học dân gian của Đỗ Bình Trị (giáo trình bồi dưỡng giáo viên tiểu học trình độ cao đẳng sư phạm), Nxb Giáo dục, năm 2001. Những công trình nói trên, mặc dù là những lưu ý, gợi ý về cách tiếp cận tìm hiểu ca dao nhưng cũng chỉ là những lưu ý, gợi ý phương pháp tiếp cận ca dao nói chung chứ chưa có công trình nào đề cập đến thi pháp ca dao than thân.
2.2. Một số vài viết và công trình nghiên cứu về ca dao than thân
Một số bài viết, công trình về các phương diện nội dung và nghệ thuật của ca dao than thân được nhiều nhà nghiên cứu phát biểu và đề cập trong các cuốn sách như: Tục ngữ, ca dao dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan, Nxb Khoa học xã hội, năm 1971; Lịch sử văn học Việt Nam – Văn học dân gian tập 2 của Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên, Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp, năm 1973; Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam của Cao Huy Đỉnh, nhà xuất bản Khoa học xã hội, năm 1974; Hợp tuyển thơ ca Việt Nam tập 1 (phần Văn học dân gian) của Vũ Ngọc Phan, nhà xuất bản Văn học, năm 1977; Ca dao cũ và mới của Nguyễn Đăng Châu, do Bộ giáo dục xuất bản, năm 1995; Ca dao người Việt quyển 3, Nxb Khoa học xã hội, năm 2015. Nhìn chung ở những cuốn sách này, chủ đề ca dao than thân được quan tâm ở góc độ nghiên cứu, tập hợp, đi vào phương pháp nghiên cứu, tiếp cận các yếu tố nội dung và nghệ thuật của ca dao than thân nhưng chưa nói rõ về thi pháp.
>>>Nếu bạn đang trong quá trình viết luận văn, bạn bận công việc không thể tự mình hoàn thiện được đề tài, bạn cần tìm một đơn vị viết thuê luận văn thạc sĩ đảm bảo về chất lượng cũng như thời gian thì có thể liên hệ với Luận Văn Group để được hỗ trợ nhé.
Ngoài ra, một vài vấn đề thi pháp trong hệ thống ca dao than thân, cũng được đề cập rải rác một số bài viết, bài báo khoa học, khóa luận tốt nghiệp như: “Khi chàng trai than thân”, đăng trên Tạp chí Giáo viên và Nhà trường, số 20, năm 2000; “Những câu hát than thân- thi điệu và tình duyên”, đăng trên Tạp chí Văn học và tuổi trẻ, số 10, năm 2004; “Tiếng hát than thân của người đàn ông trong ca dao trữ tình người Việt” của Ngô Kim Trang trong Kỉ yếu Hội thảo khoa học sinh viên toàn quốc năm 2014; “Hệ thống hình ảnh so sánh trong những lời ca dao có cùng mô hình cấu trúc “Thân em như…” của Trần Thị Mai khóa luận tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội 2, năm 2015.
Nhìn chung những công trình trên, mặc dù là những lưu ý, gợi ý về cách tiếp cận tìm hiểu ca dao, trong đó đã ít nhiều đề cập đến thi pháp ca dao than thân nhưng đứng trên mặt lí luận xem xét, tác giả luận văn nhận thấy ở các bài viết, công trình nghiên cứu trên mới chỉ đi sâu vào thi pháp thể loại, có chăng khi nói về thi pháp ca dao than thân cũng chỉ quan tâm đến những khía cạnh rất nhỏ chứ chưa quan tâm đến thi pháp ca dao than thân nói chung. Vì vậy, trên cơ sở tiếp thu kết quả những công trình nghiên cứu của những người đi trước, tác giả luận văn tiếp tục khai thác đề tài “Hệ thống ca dao than thân người Việt từ góc nhìn thi pháp”, với mong muốn tìm đến những kết quả nghiên cứu đầy đủ và toàn diện hơn về ca dao than thân trong kho tàng ca dao người Việt.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu về đề tài “Hệ thống ca dao than thân người Việt từ góc nhìn thi pháp”, tác giả luận văn mong muốn thông qua việc nghiên cứu, tìm hiểu sẽ trang bị cho bản thân mình những vốn kiến thức chuyên sâu về ca dao nói chung và ca dao than thân nói riêng trên phương diện thi pháp học.
Hiểu sâu sắc hơn một trong hai đề tài đặc trưng nhất của ca dao – đề tài than thân.
Nâng cao năng lực nghiên cứu và bổ sung các phương pháp tiếp cận văn học dân gian, ca dao nói chung và ca dao than thân nói riêng để từ đó sẽ giúp tác giả luận văn phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu và giảng dạy của mình ở cấp học phổ thông.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Nhận diện, phân tích và làm sáng tỏ các yếu tố thi pháp thể loại trên các bình diện như: về nhân vật trữ tình trong ca dao than thân; các dạng thức kết cấu trong ca dao than thân; các thủ pháp nghệ thuật đặc trưng trong việc diễn tả thế giới tâm hồn của những nhân vật trữ tình trong ca dao than thân.
Trong các lời than thân, có lẽ bấy lâu chúng ta đã quá quen thuộc với những câu hát than thân của người phụ nữ, mà chưa thực sự chú ý sâu tới lời than thân của những người nông dân và những người đàn ông trong ca dao than thân. Ở đề tài nghiên cứu này tác giả luận văn sẽ cố gắng đi sâu vào tìm hiểu về các nội dung đó. Trong ca dao than thân những lời than thân được cất lên không đơn giản chỉ là sự trao đổi thông tin mà còn là để tạo lập những mối quan hệ tình cảm giữa con người với con người. Vì vậy, kết quả nghiên cứu của luận văn tác giả sẽ cố gắng góp phần làm rõ những khía cạnh của đời sống tâm hồn người Việt xưa được thể hiện trong những bài ca dao than thân.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là những lời ca than thân trong hệ thống ca dao người Việt.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Nội dung: Với đề tài “Hệ thống ca dao than thân người Việt từ góc nhìn thi pháp”, phạm vi nghiên cứu bao gồm: xác định những kiểu nhân vật trữ tình xuất hiện trong các bài ca dao than thân; cùng với các dạng thức kết cấu nổi bật và những thủ pháp nghệ thuật đặc trưng trong việc biểu đạt thế giới tâm hồn của nhân vật trữ tình trong các bài ca dao than thân.
Tư liệu: Để giúp cho việc nghiên cứu đề tài chúng tôi tiến đã tiến hành khảo sát các tư liệu như:
– Cuốn Tuyển tập tục ngữ – ca dao Việt Nam do Nguyễn Từ – Nguyễn Thị Huế – Trần Thị An biên soạn, Nxb Văn học, năm 2001, Hà Nội.
– Cuốn Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa của Nguyễn Chiến, Nxb Giáo dục, năm 2009, Hà Nội.
– Cuốn Ca dao người Việt (quyển 1,2,3) do Nguyễn Xuân Kính chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, năm 2015, Hà Nội.
– Cuốn Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan, Nxb Văn học, năm 2017, Hà Nội.
Ngoài ra, chúng tôi có dẫn chứng thêm nhóm bài ca than thân trong Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 và Ngữ văn lớp 10.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để tiến hành nghiên cứu đề tài luận văn, chúng tôi có sử dụng các phương pháp nghiên cứu cơ bản sau:
– Phương pháp thống kê, phân loại
– Phương pháp phân tích, so sánh
– Phương pháp phân tích, tổng hợp
– Phương pháp liên ngành
6. Đóng góp của luận văn
Thêm một tiếng nói khẳng định sự đa dạng, độc đáo của ca dao than thân – một hệ thống lời ca phản chiếu sinh động và chân thực về đời sống tâm hồn của những người bình dân trong xã hội xưa.
Góp phần vun đắp tình yêu và niềm yêu thích ca dao cho học sinh. Để từ đó có thể giúp các em có cái nhìn đầy đủ về thể laoi văn học dân gian đặc sắc này.
Luận văn có thể sử dụng là tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu và giảng dạy thể loại ca dao nói chung, ca dao than thân nói riêng.
7. Bố cục của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo. Nội dung của luận văn sẽ được triển khai bao gồm 3 chương:
Chương 1: Nhân vật trữ tình trong ca dao than thân
Chương 2: Kết cấu đặc trưng trong ca dao than thân
Chương 3: Các thủ pháp nghệ thuật trong ca dao than thân
CHƯƠNG 1:
NHÂN VẬT TRỮ TÌNH TRONG CA DAO THAN THÂN
1.1. Khái quát về ca dao than thân và nhận diện các kiểu nhân vật trữ tình
1.1.1. Thuật ngữ ca dao than thân
Theo Từ điển Tiếng Việt, “than thân” là “kêu than, thổ lộ nỗi buồn rầu đau khổ của mình và mong có một sự đồng cảm, xót thương” Như vậy, ca dao than thân là một loại ca dao bên cạnh các loại ca dao: hài hước, tình nghĩa. Nó là những lời than thở về số phận, về cuộc đời, về những bất công và về cả những muộn phiền trong cuộc sống lao động. Qua lời than, người bình dân muốn khẳng định giá trị bản thân, bộc lộ những tâm tư tình cảm sâu kín bấy lâu không biết giãi bày cùng ai – đó là khát vọng về tình yêu, khát vọng về một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc, về những công bằng trong xã hội đồng thời những lời than ấy cũng gián tiếp tố cáo xã hội phong kiến tàn bạo chà đạp lên quyền sống, quyền hạnh phúc chính đáng của con người… để từ đó người đọc có cái nhìn cảm thông, trân trọng, biết đấu tranh, hướng tới giá trị chân chính giúp con người và cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bởi chưa có công trình nghiên cứu về thuật ngữ ca dao than thân cho nên theo tác giả luận văn khi tìm hiểu, nghiên cứu bài ca dao cần phải xác định bài ca dao ấy ở tiểu loại nào để từ đó giúp cho người đọc phân tích và nắm được đặc điểm thể loại, đặc điểm thi pháp. Do đó cần phải phân biệt giữa ca dao than thân với ca dao hài hước; ca dao than thân với ca dao trào phúng.
1.1.1.1. So sánh ca dao than thân với ca dao hài hước
Ca dao than thân và ca dao hài hước vốn là hai bộ phận của thể loại ca dao. Ca dao than thân giống ca dao hài hước ở hình thức diễn đạt, loại hình và phương thức diễn xướng.
Về hình thức diễn đạt có thể thấy cả hai loại này đều có chung cấu trúc ngôn từ, thể văn. Về loại hình thì cả hai bộ phận ca dao này đều thuộc loại hình trữ tình phản ánh tâm tư, tình cảm, thế giới tâm hồn của người bình dân xưa. Ngoài ra, ca dao than thân và ca dao hài hước có chức năng, đề tài, đặc điểm thi pháp khác nhau. Cho nên muốn phân biệt giữa hai loại này chỉ cần dựa vào chức năng, đề tài, đặc điểm thi pháp để phân biệt chúng. Trong đó, ca dao than thân là những tiếng hát than thân đau khổ, tủi cực cất lên đó có thể là của người phụ nữ, người đàn ông hay là người nông dân về những bất công trong xã hội xuất phát từ các mối quan hệ xã hội, quan hệ gia đình và tình yêu lứa đôi. Còn ca dao hài hước lại làm bật tiếng cười hài hước, châm biếm, trào lộng ngoài mục đích mua vui giải trí, tiếng cười còn có giá trị phê phán những thói hư và tật xấu của con người trong văn hóa xã hội.
1.1.1.2. So sánh ca dao than thân với ca dao trào phúng
Khái niệm “trào phúng” được định nghĩa trong Từ điển thuật ngữ văn học: “Trào phúng là một nguyên tắc phản ánh nghệ thuật trong đó các yếu tố của tiếng cười mỉa mai, châm biếm, phóng đại, khoa trương, hài hước được sử dụng để chế nhạo, chỉ trích, tố cáo, phản kháng những cái tiêu cực, xấu xa, lỗi thời, độc ác trong xã hội”. Tiếng cười ở đây đã đả kích tố cáo mạnh mẽ quyết liệt cả xã hội phong kiến đương thời. Người bình dân xa xưa đã mượn lời ca dao trào phúng để vạch trần bản chất thối tha đáng khinh bỉ của bọn chúng. Khi soi chiếu vào ca dao than thân chúng ta thấy người bình dân xa xưa cũng sử dụng những câu ca dao than thân mà trong đó cũng ẩn chứa những tiếng cười châm biếm một cách khéo léo để thông qua đó vạch trần, tố cáo bộ mặt xấu xa của giai cấp thống trị.
1.1.2. Khái niệm về nhân vật trữ tình và nhân vật trữ tình trong ca dao
Trong Từ điển thuật ngữ văn học có viết: “Nhân vật trữ tình là hình tượng nhà thơ trong thơ trữ tình, phương thức bộc lộ ý thức tác giả. Nhân vật trữ tình là con người “đồng dạng” của tác giả – nhà thơ, hiện ra từ văn bản của kết cấu trữ tình…. người có đường nét hay một vài sống động có số phận cá nhân xác định hai có thế giới nội tâm cụ thể, đôi khi có cả nét vẽ chân dung”. Với khái niệm trên có thể thấy rằng nhân vật trữ tình trong ca dao là hình tượng tác giả dân gian, là nơi để tác giả dân gian bộc lộ ý thức của mình. Trong đó, nhân vật trữ tình của ca dao không chỉ có nét giống với tác giả mà còn giống với một hoặc nhiều tập thể tác giả. Nó mang tính phiếm chỉ, hiện ra từ kết cấu văn bản ca dao như một con người có tâm trạng, có tình cảm giống với rất nhiều người ở những thời gian và không gian khác nhau.
1.1.3. Các kiểu nhân vật trữ tình nổi bật ở ca dao than thân
Nhân vật trữ tình ở trong các bài ca dao xuất hiện có thể là người con gái, hoặc là người đàn ông… Nhân vật trữ tình trong ca dao rất đa dạng bao gồm từ người làm nghề lao động thủ công đến các nhà trí thức là những “tao nhân mặc khách” của tất cả các thời đại trong thơ trữ tình.
Với 12.487 bài ca dao cổ truyền của ngưởi Việt, tác giả luận văn đã tiến hành việc khảo sát, phân loại ca dao than thân trong ca dao nói chung. Chúng tôi đã tìm ra được 412 bài ca dao than thân và phân loại chúng ra thành ba bộ phận trong bảng 1:1 (xem bảng 1:1):
Bảng 1.1. Các kiểu nhân vật trữ tình nổi bật ở trong ca dao than thân
Như vậy, qua bảng 1.1. trên chúng ta có thể thấy trong các kiểu nhân vật trữ tình nổi bật trong ca dao than thân thì số lượng người phụ nữ than thân có đến 262 lượt lời (chiếm 63,3%) xuất hiện là của người phụ nữ, người đàn ông than thân có 37 lượt lời (chiếm 8,98%) xuất hiện và người lao động than thân có 113 lượt lời (chiếm 27,43%). Như vậy có thể thấy rằng, trong ca dao than số lượt lời của người phụ nữ than thân là chủ yếu chiếm gần 2 lần lượt lời than thân của người lao động và chiếm hơn 7 lần lượt lời than thân của người đàn ông. Điều này chứng tỏ rằng trong cái xã hội ấy ngoài những người lao động bị áp bức bóc lột khiến họ phải kêu than thì cũng trong xã hội ấy, người phụ nữ là người chịu thiệt thòi và bị áp bức bóc lột lớn nhất.
1.2. Các sắc thái biểu đạt cảm hứng than thân của nhân vật trữ tình
Qua quá trình tìm hiểu 412 bài ca dao than thân, chúng tôi nhận thấy các sắc thái biểu đạt cảm hứng chủ yếu được phản ánh qua ca dao than thân như (xem bảng 1.2):
Bảng 1.2. Các sắc thái biểu đạt của nhân vật trữ tình trong ca dao than thân
Nhìn chung ở các sắc thái biểu đạt cảm hứng chủ yếu được phản ánh qua ca dao than thân thì ở trong đó có bài chỉ những người phụ nữ than thân, có bài chỉ có người đàn ông than thân, song cũng có những bài có sự kết hợp có cả người phụ nữ và người đàn ông với chức năng tố cáo gay gắt sự áp bức bóc lột của xã hội cũ đến các vấn đề về cuộc sống đời thường, về tình yêu, hôn nhân và hạnh phúc lứa đôi. Bên cạnh những lời ca than thân của người phụ nữ, người đàn ông là những lời than thân của những người lao động nhằm tố cáo sự đàn áp, bóc lột của giai cấp địa chủ phong kiến.
1.2.1. Than thân vì những bất công trong xã hội phong kiến
Qua quá trình tìm hiểu 412 bài ca dao than thân, tác giả luận văn đã tổng hợp, phân loại và có được kết quả như sau (xem bảng 1.3):
Bảng 1.3. Lời than thân vì sự bất công trong xã hội phong kiến
Stt Nội dung Số lượng Tỉ lệ %
1. Người phụ nữ than thân vì bị phân biệt đối xử trong gia đình, xã hội và phải lấy chồng xa 42 21,9
2. Người đàn ông than thân vì nghèo mà không lấy được vợ 37 19,2
3. Người lao động than thân vì bị giai cấp thống trị chà đạp, áp bức và bóc lột 113 58,9
Tổng 192 100
Nhìn vào kết quả bảng 1.3 có thể thấy lời than thân về sự bất công trong xã hội phong kiến tập trung nhiều nhất ở Người lao động than thân vì bị giai cấp thống trị chà đạp, áp bức và bóc lột chiếm số lượng cao nhất 58,9% với 113 lượt lời sau đó là lời than thân của người phụ nữ họ than thân vì bị phân biệt đối xử trong gia đình, xã hội và phải lấy chồng xa chiếm 21,9% với 42 lượt lời. Còn lại là những lời than thân của người đàn ông than thân vì nghèo mà không lấy được vợ với 37 lượt lời chiếm 19,2%.
1.2.2. Than thân vì những bất công trong gia đình phụ quyền
Xã hội phong kiến xưa, khi mà gánh nặng của lễ giáo phong kiến còn đè nặng lên cuộc sống con người thì “gia đình phụ quyền” vẫn luôn là nỗi ám ảnh khôn nguôi , đặc biệt là với người phụ nữ bởi họ chính là những nạn nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chế độ nam quyền, chế độ đa thê… cùng với các quan niệm “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (Có một con trai cũng là con, có 10 con gái cũng không gọi là con), rồi trai có thể năm thê bảy thiếp mà gái chính chuyên chỉ được phép một chồng… và biết bao quan niệm về đạo “Tam tòng, tứ đức” cùng những tập tục cổ hủ đã khiến người phụ nữ không cất nổi đôi cánh của mình để bay lên với cuộc đời. Bởi vậy, ở nội dung thân thân này, qua khảo sát tác giả luận văn thấy đa số đó là lời than thân của người phụ nữ.
Qua quá trình khảo sát về hệ thống ca dao than thân người Việt từ góc nhìn thi pháp, tác giả luận văn đã tổng kết được 107 lượt lời (chiếm tỉ lệ 40,8%) cao nhất trong các sắc thái của ca dao than thân của người phụ nữ. Ca dao than thân về sự bất công trong đình phụ quyền còn được tác giả luận văn khảo sát lại có những nội dung than thân của người phụ nữ than thân vì bị trái duyên (cuộc sống hôn nhân bị sắp đặt); người phụ nữ than thân vì bị phụ tình; người phụ nữ than thân khi phải sống trong cảnh làm lẽ và phải sống góa bụi và có được bảng 1.4 như sau (xem bảng 1.4):
Bảng 1.4. Lời than thân vì sự bất công trong gia đình phụ quyền
Stt Nội dung Số lượng Tỉ lệ %
1. Người phụ nữ than thân vì bị trái duyên (cuộc sống hôn nhân bị sắp đặt) 66 61,7
2. Người phụ nữ than thân vì bị phụ tình 29 27,1
3. Người phụ nữ than thân khi phải sống trong cảnh làm lẽ và phải sống góa bụi 12 11,2
Tổng: 107 100
Nhìn vào bảng 1.4 chúng ta thấy rằng số bài than thân vì sự bất công trong gia đình phụ quyền tập trung chủ yếu ở nhóm những người phụ nữ than thân vì bị trái duyên (cuộc sống hôn nhân bị sắp đặt) với 66 lượt lời (chiếm 61,7%) điều này cho thấy đa phần những người phụ bị sắp đặt trong hôn nhân, cuộc hôn nhân của họ không hề xuất phát từ tình yêu; những người phụ nữ than thân vì bị phụ tình cũng chiếm tỉ lệ khá cao với 29 lượt lời chiếm 27,1%; người phụ nữ than thân khi phải sống trong cảnh làm lẽ và phải sống góa bụi với 12 lượt lời chiếm 11,2%. Như vậy, có thể thấy rằng người phụ nữ bước vào cuộc sống hôn nhân ngoài việc chịu sự bất công trong xã hội phong kiến thì ngay ở chính gia đình phụ quyền họ cũng phải chịu nhiều mất mát, đau thương và không có được hạnh phúc trọn vẹn.
1.2.3. Than thân vì những đắng cay, cơ cực và nhọc nhằn trong cuộc sống
Tác giả luận văn đã tiến hành khảo sát trong kho tàng ca dao than thân người Việt với chủ đề than thân về những đắng cay, cơ cực và nhọc nhằn trong cuộc sống thu được kết quả bảng 1.5 sau (xem bảng 1.5):
Bảng 1.5. Lời than thân về những đắng cay, cơ cực và nhọc nhằn trong cuộc sống
Stt Nội dung Số lượng Tỉ lệ %
1. Người đàn ông than thân vì cuộc sống nhọc nhằn, nghèo khó 15 13,3
2. Người phụ nữ than thân vì cuộc sống vất vả, cảnh làm vợ, làm dâu 58 51,3
3. Người lao động than thân vì thân phận “thấp cổ bé họng” 40 35,4
Tổng: 113 100
Qua bảng 1.5 có thể thấy rằng lời than thân về những đắng cay, cơ cực và nhọc nhằn trong cuộc sống tập trung ở người phụ nữ than thân vì cuộc sống vất vả, cảnh làm vợ, làm dâu với 58 (chiếm 51,3%) và người lao động than thân vì thân phận “thấp cổ bé họng” với 40 lượt lời (chiếm 35,4%) và cuối cùng là người đàn ông than thân vì cuộc sống nhọc nhằn, nghèo khó với 15 lượt lời (chiếm 13,3%).
Tiểu kết chương 1:
Ở chương 1 của luận văn, tác giả đã cố gắng khái quát về ca dao than thân, nhận diện các kiểu nhân vật trữ tình nổi bật trong ca dao than thân. Và các sắc thái biểu đạt cảm hứng than thân của nhân vật trữ tình bao gồm: than thân vì những bất công trong xã hội phong kiến; than thân về những bất công trong đình phụ quyền; than thân vì những đắng cay, cơ cực và nhọc nhằn trong cuộc sống….. Và qua quá trình tìm hiểu 412 bài ca dao than thân, chúng tôi nhận thấy các sắc thái biểu đạt cảm hứng chủ yếu được phản ánh qua ca dao than thân như: ca dao than thân vì những bất công trong xã hội phong kiến; ca dao than thân vì những bất công trong gia đình phụ quyền; ca dao than thân vì những cay cực, nhọc nhằn trong cuộc sống thường nhật…
CHƯƠNG 2:
KẾT CẤU ĐẶC TRƯNG TRONG CA DAO THAN THÂN
Cùng với nhân vật trữ tình thì kết cấu cũng là yếu tố nghệ thuật không thể thiếu tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm trữ tình. Tìm hiểu kết cấu đặc trưng trong ca dao than thân là cách để khám phá có chiều sâu các sắc thái than thân cũng như vẻ đẹp trí tuệ của nhân dân trong từng khúc tơ lòng.
2.1. Khái niệm kết cấu và đặc điểm kết cấu của ca dao than thân
2.1.1. Kết cấu
Theo từ nguyên “kết” là tết lại, thắt lại còn “cấu” là gây nên, tạo nên. Kết cấu là cách sắp xếp lại các ý tứ cho thành một chỉnh thể. Là phương tiện cơ bản và tất yếu của khái quát nghệ thuật. Kết cấu luôn đảm nhiệm về các chức năng da dạng và bộc lộ tốt chủ đề, tư tưởng tác phẩm.
Theo tác giả Phan Huy Dũng trong luận văn Tiễn sĩ “Kết cấu thơ trữ tình”, trang 12 của công trình nghiên cứu có trích dẫn khái niệm về “kết cấu” chính “là sự xếp đặt và phân bố các yếu tố của hình thức tác phẩm nghệ thuật, nói đúng hơn là tổ chức tác phẩm trong một nội dung và thể loại xác định”. Các quy tắc của kết cấu là tổng thể những tri thức mỹ học, phản ánh những mối quan hệ bên trong của thực tại. Các phương thức và phương tiện kết cấu làm cải biên và đào sâu ý nghĩa của sự mô tả. Kết cấu đưa cho tác phẩm sự hoàn chỉnh, nhất quán và sự hoàn mỹ của cái trật tự.
Ở tác phẩm văn học nói chung kết cấu thường được nhà văn sử dụng để thể hiện dụng ý nghệ thuật. Nó là toàn bộ tổ chức sinh động nhưng cũng tương đối phức tạp của tác phẩm. Bên cạnh đó nó cũng là phương tiện cơ bản và tất yếu nhất của khái quát nghệ thuật.
Trong ca dao than thân kết cấu có vai trò cần thiết cho việc tạo dựng những tiếng kêu đau đớn và chua xót nhưng nếu khẳng định và cho rằng kết cấu là yếu tố duy nhất để tạo nên cái đau đớn và chua xót thì không đúng bởi vì kết cấu nếu không được sự hỗ trợ của ngôn từ thì khó thực hiện được dụng ý nghệ thuật của tác giả. Nhiều lúc chúng ta còn thấy cái đau đớn, xót xa của ca dao than thân được bật ra bởi yếu tố từ ngữ là chính chứ không hoàn toàn phải là do kết cấu
2.1.2. Đặc điểm kết cấu của ca dao than thân
Thứ nhất là ca dao người Việt có kết cấu ngắn gọn. Các bài ca dao đa số chỉ có từ hai đến bốn dòng thơ trong đó có một đến hai cặp lục bát. Số lượng các bài ca dao có kết cấu ngắn gọn này chiếm tỉ lệ gần 90%. Chính đặc điểm ngắn gọn này cũng chi phối đến cấu tứ ca dao rất lớn.
Thứ hai là dấu ấn đối đáp in khá đậm trong ca dao. Dù là bài ca dao còn giữ được kết cấu hai vế đối đáp hay chỉ còn lưu lại một vế thì dấu ấn đối đáp vẫn được bộc lộ rõ trong lối đối đáp bộc bạch tình cảm.
Thứ ba là sử dụng đậm đặc các công thức truyền thống. Hàng loạt các công thức mở đầu như: “rủ nhau”, “ngó lên”, “ước gì”,“gặp đây”, “thân em”, “chiều chiều”, “đêm đêm”…. đã tạo nên sự nảy sinh không giới hạn của các dị bản ca dao, tạo nên hệ thống lối nghĩ, lối thể hiện mang quan niệm thẩm mỹ dân gian sâu sắc
2.2. Một số biện pháp kết cấu cơ bản của ca dao than thân
2.2.1. Kết cấu tương phản
Kết cấu tương phản đặc biệt phổ biến trong những lời ca dao ngắn gọn từ hai đến bốn dòng thơ.
Với 412 lượt lời ca dao than thân, chúng tôi tiến hành khảo sát tìm ra được 54 lượt lời ca dao than thân có kết cấu tương phản.
Những từ trong ca dao than thân có kết cấu tương phản được tạo ra qua sự đối lập giữa: “ban ngày”><“ban đêm”, “ra đường”><“về nhà”; “chồng người”><“chồng em “chồng rồi”><“chưa chồng”; “còn duyên”><“hết duyên”; “người trên”><“kẻ dưới”; “hồi nào”><”bây giờ”; “khi xưa”>< “bây giờ”; “ngày đi”><“ngày về”. Mặc dù là thủ pháp phổ biến của ca dao nói chung, nhưng chính nó là sự cộng hưởng đắc lực để tạo nên những dáng vẻ độc đáo cho những lời của ca dao than thân.
Có thể thấy rằng kết cấu theo hình thức tương phản đã giúp cho người đọc của mọi thời đại qua những lời than thân thấy được số phận của con người chịu nhiều đau đớn, tủi nhục bởi chế độ phụ quyền, bởi trong xã hội phong kiến nhiều áp bức bóc lột được khắc họa qua các nhân vật trữ tình. Người đọc hay người nghe cũng luôn cảm thấy cảm thông và xót thương cho những số phận của những số phận con người trong những lời ca dao thân thân của người Việt.
2.2.2. Kết cấu trùng điệp
Trong cuốn Những đặc điểm thi pháp các thể loại văn học dân gian Việt Nam, Nxb Giáo dục, năm 1999 có định nghĩa: “trùng điệp là sự lặp lại một ý thơ, dòng thơ, một câu thơ, thậm chí cả một khổ thơ theo nguyên tắc điệp ý, điệp cấu trúc ngữ pháp, nhằm nhấn mạnh, khắc họa về một nội dung hay những xúc cảm nào đấy của nhân vật trữ tình”.
Với 412 lượt lời ca dao than thân của người Việt, tác giả luận văn đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát và tìm ra được 105 lượt lời dao than thân có kết cấu trùng điệp.
Trong những lời ca dao than thân, người ta có thể sử dụng kết cấu trùng điệp để nói về những nhớ nhung, xao xuyến trong lòng nhưng trong kết cấu trùng điệp đó người ta lại dùng để diễn tả sự trách móc về thay lòng đổi dạ.
Biểu đạt những lời than thân của người phụ nữ bị phụ thuộc, bị so sánh thấp kém trong xã hội cũ với điệp từ “thân em”. Ngoài từ “thân em” là kết câu trùng điệp thì qua quá trình khảo sát luận văn về đề tài ca dao than thân người Việt, tác giả luận văn còn thu được kết quả có đến 36 lượt lời ca dao sử dụng kết cấu trùng điệp “chiều chiều” được cô gái than thân cho cảnh lấy chồng xa nhà, và nhớ về bố mẹ mình; về những câu chuyện tình yêu không có kết thúc đẹp; những cô gái, người vợ than thân về sự ra đi của người yêu, của chồng mình.
Trong ca dao than thân kết cấu trùng điệp còn được người dân lao động sử dụng nhiều để nói về cuộc sống khổ cực, lầm than của mình
Tiểu kết chương 2:
Ở chương 2 của luận văn, tác giả luận qua quá trình tiến hành khảo sát cho thấy ở những tác phẩm văn học nói chung kết cấu thường được nhà văn sử dụng để thể hiện dụng ý nghệ thuật. Và trong ca dao than thân kết cấu có vai trò cần thiết cho việc tạo dựng những tiếng kêu đau đớn và chua xót nhưng nếu khẳng định và cho rằng kết cấu là yếu tố duy nhất để tạo nên cái đau đớn và chua xót thì không đúng bởi vì kết cấu nếu không được sự hỗ trợ của ngôn từ thì khó thực hiện được dụng ý nghệ thuật của tác giả.
Về đặc điểm kết cấu của ca dao than thân bao gồm: kết cấu ngắn gọn, dấu ấn đối đáp in khá đậm trong ca dao, sử dụng đậm đặc các công thức truyền thống. Và một số biện pháp kết cấu cơ bản của ca dao than thân sử dụng nhiều là kết cấu tương phản đối lập giúp cho người đọc của mọi thời đại qua những lời than thân thấy được số phận của con người chịu nhiều đau đớn, tủi nhục bởi chế độ phụ quyền, bởi trong xã hội phong kiến nhiều áp bức bóc lột được khắc họa qua các nhân vật trữ tình đã giúp cho người đọc hay người nghe cũng luôn cảm thấy cảm thông và xót thương cho những số phận của những số phận con người trong những lời ca dao thân thân của người Việt; Kết cấu trùng điệp đã được ca dao than thân dùng đến để nói về những nhớ nhung, xao xuyến trong lòng nhưng trong kết cấu trùng điệp đó người ta lại dùng để diễn tả sự trách móc về thay lòng đổi dạ mình.
CHƯƠNG 3:
CÁC THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT TRONG CA DAO
THAN THÂN
Khai thác các thủ pháp nghệ thuật trong ca dao than thân là cách chúng ta vén bức màn để hòa nhịp cảm xúc vào một thế giới “ẩn” đằng sau lớp vỏ ngôn từ, khai thác chất “vàng” thấm sâu trong chỉnh thể nội dung, hình thức của từng lời than thân… Đơn giản như chỉ một chữ “hoa” trong ca dao than thân thôi mà lại mang trở biết bao cung bậc cảm xúc, vẫn là “hoa”- là sắc của thiên nhiên nhưng cũng là sắc của tâm hồn, của vóc dáng… nhưng “hoa” cũng là sự tàn phai của cuộc đời, của tình yêu…. Vậy đâu là đáp số chung, đáp số cuối cùng cho các điều bí ẩn đó?… Khám phá các thủ pháp nghệ thuật trong ca dao than thân chúng ta sẽ tự khắc tìm ra đáp số cho mình… Không phải ngẫu nhiên ca dao than thân, trong cách bộc lộ cảm xúc của nhân vật trữ tình lại dùng nhiều các hình ảnh mang tính biểu tượng, các hình ảnh hoán dụ, các lối chơi chữ, thậm chí cả cách nói phóng đại… khi thổ lộ những tâm tư tình cảm của mình đến vậy nhưng có lẽ nói đến nhiều nhất trong thủ pháp nghệ thuật ca dao than thân chính là nghệ thuật so sánh và ẩn dụ.
3.1. Nghệ thuật so sánh
3.1.1. Khái niệm so sánh
Theo “Từ điển thuật ngữ văn học” thì so sánh chính là phương thức biểu đạt bằng ngôn ngữ từ một cách hình tượng dựa trên cơ sở đối chiếu hai hiện tượng có những dấu hiệu tương đồng nhằm làm nổi bật đặc điểm, thuộc tính củ hiện tượng kia.
Trong cuốn sách “90 phương tiện và biện pháp tu từ Tiếng Việt”, Nxb giáo dục, năm 1994 tác giả Đinh Trọng Lạc cho rằng “So sánh là là một biện pháp tu từ ngữ nghĩa, trong đó người ta đối chiếu hai đối tượng khác loại thực tế khách quan đồng nhất với nhau hoàn toàn mà chỉ có một nét giống nhau nào đó, nhằm diễn tả bằng hình ảnh một lối tri giác mới mẻ về đối tượng”.
Theo Đinh Trọng Lạc – Nguyễn Thái Hòa trong “Giáo trình Phong cách học tiếng Việt”, Nxb giáo dục, năm 2000 có viết: “So sánh là phương thức diễn đạt tu từ khi đem sự vật này đối chiếu với các sự vật khác miễn là giữa hai sự vật có nét tương đồng nào đó để gợi ra những hình ảnh cụ thể, những cảm xúc thẩm mỹ trong nhận thức của người đọc, người nghe”. Tác giả Hồng Dân thì lại cho rằng: “Nếu liên tưởng đến nét giống nhau giữa hai đối tượng được nêu ra một cách công khai, ta có phép so sánh”. Nguyễn Thế Linh: “So sánh là đưa ra một vật ra xem xét sự giống nhau, khác nhau, sự hơn kém về một phương diện với vật khác được xem là chuẩn, có thể không phải là một mà là nhiều sự kiện, nhiều thuộc tính được so sánh”.
3.1.2. So sánh trong ca dao than thân
Qua khảo sát về những lời ca dao than thân thì đây là biện pháp nghệ thuật được tác giả dân gian sử dụng với tần suất cao nhằm thể hiện thế giới nội tâm với những cung bậc than thân, đau xót như:
So sánh để nói về sự nhỏ bé đến thấp hèn và kém giá trị của thân phận con người bắt đầu bằng cụm từ “Thân em như..”
So sánh để nói về sự phụ thuộc, nổi trôi của những thân phận con người
So sánh để nói về những đớn đau, buồn tủi của những số phận con người
3.1.3. Vai trò của so sánh trong việc biểu đạt nội dung than thân
Biện pháp nghệ thuật so sánh đã ra đời từ rất sớm, ngay từ thời nguyên thủy, con người đã có ý thức đối sánh mình với thiên nhiên, với các sự vật khác. Trong tác phẩm văn học nghệ thuật so sánh là biện pháp tu từ giúp cho câu văn trở nên mềm mại, uyển chuyển và có nhiều ý nghĩa hơn nhiều so với biểu tượng. So sánh là biện pháp nghệ thuật đơn giản nhưng hiệu quả rất lớn, nó luôn tạo ra sự liên tưởng, làm phong phú thêm cho đối tượng phản ánh. So sánh chính là thao tác đối sánh đối tượng với những giá trị, từ đó làm tăng những giá trị của đối tượng. Chính vì vậy mà chúng ta bắt gặp trong ca dao than thân rất nhiều lời ca sử dụng nghệ thuật so sánh trìu tượng để bộc lộ thế giới nội của mình.
3.2. Nghệ thuật ẩn dụ
3.2.1. Khái niệm ẩn dụ
Trong các sách nghiên cứu về ẩn dụ ở trong và ngoài nước, cho đến nay, ẩn dụ thường được coi là phép hay cách thức chuyển đổi tên gọi dựa trên sự so sánh ngầm giữa hai sự vật có sự tương đồng hay giống nhau.
Theo A.A. Reformatxky ẩn dụ theo nghĩa chiết tự là “sự chuyển đổi” (Perenos), là trường hợp chuyển nghĩa điển hình nhất. Sự chuyển nghĩa theo ẩn dụ dựa trên sự giống nhau của các sự vật về màu sắc, hình thức, đặc tính vận động…”.
Các nhà ngôn ngữ học Việt Nam cũng có quan điểm tương tự. Chẳng hạn, Nguyễn Văn Tu cho rằng: “ẩn dụ là phép gọi tên một sự vật bằng tên của một sự vật khác theo mối quan hệ gián tiếp. Muốn hiểu được mối quan hệ đó chúng ta phải so sánh ngầm. Khác với hoán dụ, phép ẩn dụ, ta theo tưởng tượng của ta mà gọi một sự vật chỉ có vài dấu hiệu chung với sự vật mà từ biểu thị trước thôi. Chính nhờ những dấu hiệu chung gián tiếp ấy mà ta thấy mối quan hệ giữa các sự vật khác nhau”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Lân định nghĩa “ẩn dụ là phép sử dụng từ ngữ ở nghĩa chuyển dựa trên cơ sở sự tương đồng, sự giống nhau…giữa các thuộc tính của cái dùng để nói và cái nói đến. Ẩn dụ cũng là một cách ví, nhưng không cần dùng đến những tiếng để so sánh như: tựa, như , tường, bằng…”.
Nhà nghiên cứu Đỗ Hữu Châu định nghĩa: “ẩn dụ là cách gọi tên một sự vật này bằng tên một sự vật khác, giữa chúng có mối quan hệ tương đồng”; “Cho A là một hình thức ngữ âm, X và Y là những ý nghĩa biểu vật. A vốn là tên gọi của X (tức X là ý nghĩa biểu vật chính của A). Phương thức ẩn dụ là phương thức lấy tên gọi A của X để gọi tên Y ( để biểu thị Y), nếu như X và Y có nét nào đó giống nhau”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thiện Giáp cũng định nghĩa: “ẩn dụ là sự chuyển đổi tên gọi dựa vào sự giống nhau giữa các sự vật hoặc hiện tượng được so sánh với nhau”.
Nhà nghiên cứu Đào Thản định nghĩa : “ẩn dụ cũng là một lối so sánh dựa trên sự giống nhau về hình dáng, màu sắc, tính chất, phẩm chất hoặc chức năng của hai đối tượng. Nhưng khác với so sánh dùng lối song song hai phần đối tượng và phần so sánh bên cạnh nhau, ẩn dụ chỉ giữ lại phần để so sánh”.
Theo Từ điển quy phạm tiếng Hán hiện đại, Nxb Dân trí, năm 2018, giải thích rằng, ẩn dụ là “một kiểu so sánh ví von”. Phép ví von so sánh này thường dùng “là”, “chính là”, “trở thành”, “biến thành”,… thay cho từ biểu thị so sánh, bề ngoài là hình thức phán đoán, nhưng thực tế là một kiểu so sánh ví von”..
Nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Nguyễn Đức Tồn đưa ra khái niệm ẩn dụ: “Ẩn dụ là phép thay thế tên gọi hoặc chuyển đặc điểm, thuộc tính của sự vật, hiện tượng này sang sự vật, hiện tượng thuộc loại khác theo lối loại suy dựa trên cơ sở sự liên tưởng đồng nhất hoá chúng theo đặc điểm, thuộc tính nào đó cùng có ở chúng”.
3.2.2. Ẩn dụ trong ca dao than thân
Giống như so sánh trong ca dao thân thân, ẩn dụ trong ca dao than thân cũng là một phương tiện được người nghệ sĩ dân gian sử dụng nhiều trong các lời ca dao than thân của người Việt. Qua việc tiến hành khảo sát của tác giả luận văn chúng tôi có tổng kết ra được một số hình ảnh ẩn dụ mà ca dao than thân đã sử dụng như:
“Chim” – hình ảnh ẩn dụ về người phụ nữ.
“Chim” – hình ảnh ẩn dụ về những người lao động.
“Hoa” – hình ảnh ẩn dụ về cuộc đời người phụ nữ.
“Dòng sông” – hình ảnh ẩn dụ cho bi kịch cách trở, chia lìa
3.2.3. Vai trò của ẩn dụ trong việc biểu đạt nội dung than thân
Ẩn dụ hay còn gọi là so sánh ngầm. Là cách diễn tả gợi nhiều sự liên tưởng, suy ngẫm về con người và cuộc sống. Đây là cách nói được sử dụng rất phong phú. Các hình ảnh ẩn dụ quen thuộc, mang màu sắc thiên nhiên môi trường cuộc sống nảy sinh ca dao. Cách nói ẩn dụ, bóng bẩy, ngụ ý sâu xa, càng nghĩ càng thấm thía, hiểu rõ. Từ thời Aristotle vai trò của ẩn dụ đã được đã đề cập tới. Trong cuốn “Thi pháp học”, Aristottle đã viết rằng ẩn dụ có nhiều loại quan trọng trong cả thơ lẫn văn xuôi, nhưng trong thơ nhiều hơn. Ẩn dụ có tính sáng sủa, dễ yêu và tác động mạnh… Ẩn dụ có những vai trò cơ bản như sau:
Với tính nhanh nhậy đặc biệt trong liên tưởng, với khả năng vô hạn trong việc làm xích lại gần nhau những sự vật và hiện tượng khác nhau, biện pháp ẩn dụ đã đưa đến cho ta một nhận thức mới
Nhờ phương thức ẩn dụ từ có thêm nhiều nghĩa mới. Thông qua việc tạo từ mới và nghĩa mới, ẩn dụ giúp ngôn ngữ mau chóng đáp ứng được những nhận thức mới. Ẩn dụ giúp cho người ta dễ dàng diễn đạt được mọi cung bậc cảm xúc và thái độ của mình. Ẩn dụ là cách nói có sức khái quát giúp người nghe có thể vận dụng trong nhiều trường hợp, hoàn cảnh.
Tóm lại, ẩn dụ là một biện pháp tu từ quan trọng, chứa đựng đặc điểm nhận thức, biểu cảm và thẩm mỹ của thơ ca trữ tình dân gian. Nó được sử dụng khá hiệu quả mà nhân hóa, so sánh, biểu tượng lại là những biến thể đặc biệt của chúng.
Tiểu kết chương 3:
Ở chương 3 của luận văn tác giả luận văn đã tiến hành tìm hiểu và phân tích việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật so sánh và ẩn dụ trong thi pháp ca dao than thân. Qua việc khảo sát chủ đề ca dao than thân tác giả luận văn nhận thấy rằng trong ca dao than thân của người Việt có rất nhiều biện pháp nghệ thuật so sánh đã được các chủ thể sáng tạo lựa chọn trong quá trình sáng tác như: các hình ảnh so sánh nói về sự đau đớn thấp hèn, kém giá trị; hình ảnh so sánh nói về sự phụ thuộc, nổi trôi; và hình ảnh so sánh nói về đau đớn, buồn tủi của con người; về ẩn dụ có: mượn hình ảnh con “chim” để về người phụ nữ, người lao động, và đặc biệt là sử dụng hình ảnh “dòng sông” để ẩn dụ nói về những xa cách trong tình yêu của đôi lứa.
KẾT LUẬN
. Ca dao là phương tiện chủ yếu phản ánh tâm tư, tình cảm của con người. Khám phá hệ thống ca dao than thân từ góc nhìn thi pháp sẽ cho ta cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về thế giới tình cảm, về quá trình lắng đọng những lời than thân của người bình dân xưa, đặc biệt là những người lao động, người phụ nữ, những người đàn ông trong xã hội xưa. Nghiên cứu hệ thống ca dao than thân từ góc nhìn thi pháp giúp chúng ta giải mã được những cung bậc cảm xúc, những nốt nhạc tâm hồn và cả những nét đẹp văn hóa trong đời sống vật chất, tinh thần của người xưa.
2. Nhân vật trữ tình là yếu tố thi pháp có sự biến đổi khá toàn diện và sâu sắc. Là một hình tượng nghệ thuật của sáng tác dân gian, nhân vật trữ tình trong ca dao có những đặc điểm “đại đồng vị” so với nhân vật trữ tình. Nhân vật trữ tình trong ca dao không chỉ đồng dạng với tác giả mà đồng dạng với một hoặc nhiều tập thể tác giả. Nó mang tính phiếm chỉ, hiện ra từ kết cấu văn bản ca dao như một con người mang tâm trạng, tình cảm chung của nhiều người ở nhiều không gian và thời gian lịch sử.
Qua quá trình khảo sát và thống kê tác giả đã tổng hợp được 412 bài ca dao than thân và phân loại chúng ra thành ba bộ phận: Người phụ nữ than thân; người đàn ông than thân và người lao động than thân. Chúng tôi nhận thấy có bài chỉ những người phụ nữ than thân, có bài chỉ có người đàn ông than thân, song cũng có bài kết hợp cả người phụ nữ và người đàn ông cùng tố cáo gay gắt sự áp bức bóc lột, của xã hội cũ đến các vấn đề tình yêu, hôn nhân, và hạnh phúc lứa đôi. Bên cạnh những bài ca dao than thân của người phụ nữ và người đàn ông là những lời than thân của người lao động nhằm tố cáo sự áp bức bóc lột của giai cấp địa chủ phong kiến.
3. Các sắc thái biểu đạt cảm hứng chủ yếu được phản ánh qua ca dao than thân bao gồm: ca dao than thân vì những bất công trong xã hội phong kiến; ca dao than thân vì những bất công trong gia đình phụ quyền; ca dao than thân vì những cay cực, nhọc nhằn trong cuộc sống thường nhật… Nhìn chung ở các sắc thái biểu đạt cảm hứng chủ yếu được phản ánh qua ca dao than thân bao gồm những bài chỉ những người phụ nữ than thân, có bài chỉ có người đàn ông than thân, song cũng có những bài có sự kết hợp cả người phụ nữ và người đàn ông với chức năng tố cáo gay gắt sự áp bức bóc lột, của xã hội cũ đến các vấn đề tình yêu, hôn nhân, và hạnh phúc lứa đôi. Bên cạnh những bài ca dao than thân của người phụ nữ và người đàn ông là những lời than thân của người lao động nhằm tố cáo sự áp bức bóc lột của giai cấp địa chủ phong kiến.
4. Trong tác phẩm văn học, kết cấu thể hiện dụng ý nghệ thuật của người sáng tác. Nó là toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm. Kết cấu đảm nhiệm các chức năng như: bộc lộ tốt chủ đề và tư tưởng các tác phẩm: triển khai, trình bày hấp dẫn cốt chuyện; cấu trúc hợp lý hệ thống tính cách tổ chức điểm nhìn trần thuật của tác giả; tạo ra tính toàn vẹn của tác phẩm như là một hiện tượng thẩm mỹ. Trong chủ đề ca dao than thân người Việt có sử dụng một số kết cấu như: kết cấu tương phản đối lập; kết cấu trùng điệp…
5. Trong mảng ca dao trữ tình người Việt việc sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh và ẩn dụ được sử dụng với tần suất cao. Và là phương tiện đắc lực để người nghệ sĩ dân gian thể hiện thế giới tình cảm đa sắc thái của con người. Một số hình ảnh và cấu trúc so sánh, ẩn dụ được sử dụng nhiều trong mảng ca dao than thân của người: các hình ảnh so sánh nói về sự thấp hèn, kém giá trị; hình ảnh so sánh nói về sự phụ thuộc, nổi trôi; và hình ảnh so sánh nói về đau đớn, buồn tủi của con người; hình ảnh con “chim” ẩn dụ nói về người phụ nữ, về những người lao động; hình ảnh “hoa” ẩn dụ nói về cuộc đời người phụ nữ và hình ảnh “dòng sông” ẩn dụ nói về những bi kịch cách trở trong tình yêu, hạnh phúc con người.
Download bản tóm tắt tại link
Liên hệ dịch vụ viết bài:
Hotline/Zalo: 0967538624 Ms Huyền/ 0886091915 Ms Trang
Email: Lamluanvan123@gmail.com
Website: https://lamluanvan.net/
Chào các bạn! Mình làm công việc quản trị nội dung của trung tâm Luận Văn Group. Công việc này đã gắn bó với mình được hơn 10 năm, mình tốt nghiệp trường Kinh Tế Quốc Dân, có sở thích là viết các đề tài nghiên cứu và viết luận, các bạn muốn sử dụng dịch vụ bên mình vui lòng liên hệ qua website: https://lamluanvan.net/. Rất mong được sự ủng hộ của các bạn!
Bài viết liên quan
Vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội trong quản lý công ở các nước trên thế giới và Việt Nam
MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU 1 CHƯƠNG I: VAI TRÒ CỦA CÁC TỔ CHỨC CHÍNH...
Th7
ỨNG DỤNG KỸ NĂNG GIAO TIẾP TRONG HOẠT ĐỘNG NGHỀ CỦA DƯỢC SĨ
MỤC LỤC 1. PHẦN MỞ ĐẦU 3 1.1. Đặt vấn đề 3 1.2. Mục tiêu...
Th7
Vận dụng tri thức thi pháp vào phân tích truyện ngắn Vợ chồng A phủ (Tô Hoài)
Đề bài: Vận dụng tri thức thi pháp vào phân tích truyện ngắn Vợ chồng...
Th7
Download 66 Luận văn thạc sĩ phát triển du lịch Miễn Phí
Bạn đang theo học chương trình thạc sĩ du lịch và đang trong quá trình...
Th5
Top 50 luận văn thạc sĩ thương mại điện tử Miễn Phí
Nếu bạn đang là học viên các chuyên ngành quản trị kinh doanh, thương mại...
Th4
Top 60 luận văn thạc sĩ luật kinh tế Miễn Phí
Bạn đang là học viên chương trình cao học chuyên ngành luật kinh tế, bạn...
Th4