MỞ ĐẦU
1.Tính cấp thiết của đề tài
Trong những năm gần đây, cải cách hành chính có thể được coi như một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta thường xuyên đưa ra đường lối chỉ đạo và ban hành các chính sách trong lĩnh vực CCHC. Công tác cải cách hành chính không phải chỉ là nhiệm vụ của riêng một cấp chính quyền, một lĩnh vực nào mà nó là nhiệm vụ chung và có thể nói là hàng đầu của toàn thể bộ máy chính trị, các cấp chính quyền và nhân dân
Trên thế giới hiện nay không có nước nào là không tiến hành nhiệm vụ CCHC, cải cách tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước. Nhưng đồng thời đây cũng là một công việc vô cùng khó khăn và phức tạp.
Việt Nam là quốc gia đang tiến hành đổi mới toàn diện, trong đó xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường, mở rộng giao lưu và hội nhập quốc tế, thực hiện từng bước đổi mới hệ thống chính trị để ổn định và phát triển bền vững là những mục tiêu hết sức quan trọng.
Thủ tục hành chính là cơ sở và là điều kiện cần thiết để cơ quan nhà nước giải quyết công việc của công dân và các tổ chức theo pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người và cơ quan có công việc cần giải quyết. Hiện nay thủ tục hành chính do nhiều cơ quan nhà nước các cấp ban hành còn rườm rà, chồng chéo, không rõ ràng, thiếu tính thống nhất. TTHC như vậy gây phiền hà và giảm lòng tin của nhân dân đối cơ quan nhà nước gây trở ngại cho giao lưu giữa nước ta đối các nước ngoài, gây tệ cửa quyền và sách nhiễu, tham nhũng.
Việc nhấn mạnh ưu tiên cải cách TTHC là hoàn toàn cần thiết và phù hợp. Cải cách nền hành chính nhà nước là chủ trương quan trọng trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, được xác định vừa là trọng tâm vừa là khâu đột phá của việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước cộng hoà XHCN Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI khẳng định “Đẩy mạnh CCHC, nhất là TTHC; giảm mạnh và bãi bỏ các loại TTHC gây phiền hà cho tổ chức và công dân”. Quan điểm của Ðảng về cải cách nền hành chính nhà nước đã được thể hiện nhất quán trong các văn kiện Ðại hội đại biểu Ðảng toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX và trong các Nghị quyết của các Hội nghị Trung ương 2 và 8 (khóa VII), 3 và 7 (khóa VIII), 6 và 9 (khóa IX). Ðó là quá trình tìm tòi sáng tạo, đổi mới nhận thức liên tục, thống nhất được khởi đầu từ Ðại hội VI năm 1986 để hình thành các quan niệm và nguyên tắc cơ bản chỉ đạo công cuộc CCHC cũng như việc đề ra những nội dung, phương hướng, chủ trương, giải pháp thực hiện trong từng giai đoạn.
Đặc biệt, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 ban hành kèm theo Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17-9-2001 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định phải đẩy mạnh cải cách TTHC với mục tiêu cơ bản là “Tiếp tục cải cách TTHC nhằm bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch và công bằng trong khi giải quyết công việc hành chính. Loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho dân. Mở rộng cải cách TTHC trên tất cả các lĩnh vực, xóa bỏ kịp thời những quy định không cần thiết về cấp phép và thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, kiểm định, giám định”.
Chỉ số Cải cách hành chính năm 2012 được xác định dựa trên việc tự chấm điểm của Bộ, ngành, địa phương kết hợp với kết quả thẩm định và kết quả phân tích 34.345 phiếu điều tra xã hội học. Ngoài Chỉ số tổng hợp, báo cáo PAR INDEX 2012 có tính toán và phân tích đầy đủ 7 Chỉ số thành phần đối với cấp Bộ và 8 Chỉ số thành phần đối với cấp tỉnh để đánh giá mức độ ảnh hưởng của từng Chỉ số thành phần đối với Chỉ số CCHC của từng bộ, từng tỉnh. Theo Báo cáo kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2012, tỉnh Đắk Lắk thuộc nhóm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt kết quả khá và là tỉnh dẫn đầu 5 tỉnh vùng Tây Nguyên về Chỉ số Cải cách hành chính năm 2012.
Đã có rất nhiều những công trình khoa học, bài viết của nhiều tác giả nghiên cứu, bàn luận về lĩnh vực này. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm công cuộc cải cách lại có những biến chuyển, vẫn cần được tìm hiểu, nghiên cứu để hoàn thiện chương trình cải cách sao cho hiệu quả nhất và phù hợp với tình hình thực tiễn của các cơ quan quản lý hành chính nói riêng và Nhà nước ta nói chung. Vậy, hiện nay tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương (cụ thể tại tỉnh ĐăkLăk) việc thực hiện cải cách TTHC theo cơ chế “một cửa” đã và đang đạt được những kết quả như thế nào; vấn đề còn tồn tại đó là gì, do nguyên nhân nào và những biện pháp để thực hiện nội dung này đạt hiệu quả tốt hơn nữa trong việc thực hiện chức năng của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương trong tương lai. Vì vậy việc nghiên cứu về TTHC, cải cách TTHC và rút ra tổng kết cho địa phương là rất cần thiết. Chính vì những lý do đó mà tác giả chọn đề tài: “Cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại cơ quan hành chính nhà nước địa phương (qua thực tiển tỉnh ĐăkLăk) ” với mong muốn hoàn thiện kiến thức ở trường, áp dụng có hiệu quả vào công tác quản lý hành chính, đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng mô hình “một cửa” đang được thực hiện tại tỉnh nhà. nhằm mang lại một cái nhìn khát quát về CCHC nói chung, cải cách TTHC theo cơ chế “một cửa” nói riêng góp phần để chương trình này đạt được kết quả cao hơn nữa trong quá trình tiếp tục thực hiện công cuộc cải cách TTHC theo cơ chế “một cửa” trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Trên diễn đàn khoa học, đã và đang có nhiều bài viết liên quan đến tình hình cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” nói riêng. được nhiều tác giả nghiên cứu trong các đề tài khoa học, sách chuyên khảo, luận văn và các bài viết như:
Đào Trí Úc (2007), Đánh giá kết quả của cải cách hành chính và các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính ở nước ta, Nxb Công an nhân dân,
Phạm Hồng Thái và Đinh Văn Mậu (2009), Luật hành chính Việt Nam, Nxb Giao thông vận tải, Hà Nội;
Trần Công Dũng (2010), Vách ngăn hay ngăn cách nơi giao dịch “một cửa”, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 6;
Nguyễn Ngọc Hiến (2001), Các giải pháp thúc đẩy cải cách hành chính ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Nguyễn Văn Thâm (Mã số 94-98-069), Cải cách hành chính phục vụ nhân dân, Học Viện Hành Chính quốc gia.
Thang Văn Phúc (2001), Cải cách hành chính nhà nước, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Lê Chi Mai (2003), Cải cách dịch vụ công ở Việt Nam, sách chuyên khảo, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Nguyễn Văn Thanh (2004), Hoàn thiện tổ chức theo cơ chế một cửa của UBND cấp huyện tỉnh Hà Tây, Luận văn Thạc sỹ, Học Viện Hành Chính quốc gia.
Đào Minh Đức (2004), Cải cách hành chính góp một cái nhìn từ góc độ công chức, công vụ, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 195, tháng 7/2004.
Phan Đình Trạc (2010), Cải cách hành chính thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở Nghệ An, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 168, tháng 01/2010.
Phạm Văn Đấu (2010), Vĩnh Long với công tác cải cách hành chính, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 1/2010.
Võ Lâm Phi (2010), Cải cách hành chính góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở tỉnh Khánh Hòa, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 1/2010.
Nguyễn Quang Tân (2007), Tác động tích cực của cải cách hành chính đến sự phát triển kinh tế-xã hội Bình Thuận, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 136, tháng 5/2007.
Bùi Tuấn Thịnh (2007), Một số giải pháp tăng cường cải cách hành chính ở thành phố Thái Nguyên, Tạp chí Quản lý nhà nước, 6/2007.
Nguyễn Thị Hồng (2008), Cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” ở tỉnh Bắc Giang, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 153, tháng 10/2008.
Nguyễn Đức Mạnh (2007), Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ chế “một cửa” tại cấp cơ sở, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 140, tháng 9/2007.
Võ Đình Hoan (2007), Một số kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” ở huyện Cư M’gar, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 141, tháng 10/2007.
Bùi Đức Bền (2004), Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hành chính khâu đột phá trong cải cách bộ máy hành chính, Tạp chí Tổ chức nhà nước, 5/2004.
Nguyễn Văn Hiếu (2004), Một số kết quả thực hiện cải cách hành chính ở quận Hai Bà Trưng-Hà Nội, Tạp chí Tổ chức nhà nước, 5/2004.
Trần Thế Dũng (2005), Chương trình cải cách hành chính tỉnh Thái Bình năm 2003-2005, Tạp chí Tổ chức nhà nước, 5/2004.
Đặng Công Ngữ (2004), Cải cách hành chính ở Thành phố Đà Nẵng sau 3 năm nhìn lại, Tạp chí Tổ chức nhà nước, 5/2004.
Trần Minh Lực (2004), Để cải cách hành chính hiệu quả cần đẩy mạnh cơ chế kiểm tra, giám sát lẫn nhau, Tạp chí Tổ chức nhà nước, 5/2004.
Nguyễn Văn Thịnh (2004), Cần công khai thủ tục hành chính tại cơ quan, Tạp chí Tổ chức nhà nước, 5/2004…
3. Mục đích nghiên cứu
Nhằm tổng quan lại Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2001 – 2010 và một số vấn đề lý luận về cơ chế “một cửa”. Đồng thời, nêu lên tình hình cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” tại cơ quan hành chính nhà nước địa phương ở nước ta nói chung và tỉnh ĐăkLăk nói riêng. Từ đó đưa ra những biện pháp để tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương nói chung trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta.
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Luận văn tập trung nghiên cứu những quan điểm về chủ trương đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính sách pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế ” một cửa” tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương nói riêng, đặc biệt tập trung vào giai đoạn 2001 – 2010.
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn được thực hiện dựa trên phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử và một số phương pháp nghiên cứu khoa học cụ thể, như:
Phương pháp phân tích, tổng hợp: Đề tài kế thừa, tổng kết lại những kết quả của các nghiên cứu về CCHC nói chung, cải cách TTHC theo cơ chế “một cửa” tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương nói riêng.
Phương pháp so sánh: Thông qua một số dẫn chứng về triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”.
Phương pháp lịch sử: Xem xét pháp luật về CCHC nói chung và trong cải cách TTHC theo cơ chế “một cửa” nói riêng theo từng giai đoạn.
Phương pháp thống kê xã hội học: Từ những kết quả thống kê, đánh giá về thực trạng triển khai công tác cải cách TTHC theo cơ chế “một cửa” tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương nói chung.
6. Ý nghĩa nghiên cứu đề tài
Hệ thống các quan điểm, đánh giá quá trình thực hiện cải cách hành chính ở Việt Nam nói chung. Là tài liệu tham khảo mang tính hệ thống về triển khai chương trình cải cách hành chính ở nước ta.
Chỉ ra những ưu điểm, thành tựu cũng như bất cập, hạn chế của quá trình cải cách thủ tục hành chính qua kinh nghiệm thực tiễn tại tỉnh ĐăkLăk.
Đề xuất những giải pháp có tính khả thi trong vận dụng vào công cuộc cải cách hành chính ở nước ta nói chung và tỉnh ĐăkLăk nói riêng.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục nội dung của luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận về cải cách thủ tục hành chính và một số vấn đề về cơ chế “một cửa”.
Chương 2: Tình hình cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương (qua thực tiễn tỉnh ĐăkLăk).
Chương 3: Phương hướng tăng cường hiệu quả cải cách TTHC theo cơ chế “một cửa” tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương nói chung và tỉnh ĐăkLăk nói riêng trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta.
Chương I
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CƠ CHẾ “MỘT CỬA”
1.1. Xu thế về cải cách thủ tục hành chính trên thế giới
Ngày nay, cải cách hành chính là vấn đề mang tính toàn cầu. Cả các nước đang phát triển và các nước phát triển đều xem cải cách hành chính như một động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển dân chủ và các mặt khác của đời sống xã hội.
* Xu thế cải cách thủ tục hành chính ở Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành cải cách hành chính, tập trung vào lĩnh vực quản lý hành chính và xây dựng chính quyền.
Thứ nhất, cải cách thể chế về Chính phủ.
Thứ hai, nâng cao chức năng quản lý xã hội và dịch vụ công của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp.
Thứ ba, tiếp tục cải cách đối với hệ thống phê chuẩn và kiểm tra hành chính.
Thứ tư, cải cách ở các thị trấn và tiến hành các cuộc thử nghiệm về hội nhập ở đô thị và nông thôn đang được tiến hành.
* Xu thế cải cách thủ tục hành chính ở Thụy Điển
Cơ chế một cửa quốc gia được xây dựng và phát triển từ năm 1989. Bắt đầu với việc ngành Hải quan phát triển Hệ thống thông tin Hải quan dành cho quy trình xuất khẩu hàng hóa và gửi thông tin thống kê điện tử cho Tổng cục thống kê.
Hiện nay, cơ chế một cửa quốc gia Thụy Điển có sự tham gia của cơ quan Hải quan, Nông nghiệp, Thương mại, Ủy ban quốc gia về giám sát hàng hóa chiến lược và Cảnh sát và đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, Chính phủ. Với cơ chế một cửa quốc gia, Cơ quan Hải quan và các cơ quan khác của Chính phủ có thể cải thiện hiệu quả hoạt động quản lý của mình, đồng thời cải thiện dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp.
* Xu thế cải cách thủ tục hành chính ở Hàn Quốc.
Chính phủ Hàn Quốc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống tiến hành công cuộc đổi mới Chính phủ từ năm 2003 với 5 mục tiêu: Xây dựng một Chính phủ linh hoạt; cung cấp dịch vụ công có chất lượng cao; mở rộng quyền tự quản và chịu trách nhiệm; mở rộng việc tiết lộ các thông tin công; khuyến khích sự tham gia của người dân nhằm tạo ra một nền hành chính hiệu quả, nền hành chính phục vụ, nền hành chính phân cấp, phân quyền, nền hành chính minh bạch, nền hành chính có sự tham gia rộng rãi của người dân.
* Xu thế cải cách thủ tục hành chính ở Anh.
Công cuộc cải cách thủ tục hành chính ở Vương quốc Anh diễn ra từ rất sớm năm 1856 được thực hiện bởi Uỷ ban Hoàng gia Northcote – Trevelyn. Từ năm 1998 Chính phủ Công đảng của thủ tướng Tony Blair vẫn tiếp tục thực hiện một loạt cải cách TTHC với mục tiêu: đảm bảo việc hoạch định chính sách mang tính chiến lược thống nhất và được nghiên cứu, tiếp cận dưới góc độ đa ngành, khắc phục được tình trạng chính sách được ban hành để đối phó với các áp lực trước mắt; dịch vụ công phải đáp ứng nhu cầu của người dân chứ không phải vì lợi ích của người cung cấp dịch vụ.
1.2. Cải cách hành chính ở Việt Nam
1.2.1. Thủ tục hành chính và sự cần thiết phải cải cách thủ tục hành chính.
* Khái niệm.
Để giải quyết một công việc nhất định đều cần có những thủ tục phù hợp. Theo nghĩa thông thường, thủ tục có nghĩa là phương cách giải quyết công việc theo một trình tự nhất định, một thể thống nhất. Cũng có thể hiểu thủ tục là những quy tắc, chế độ, phép tắc hay quy định chung phải tuân theo khi làm việc công.
Thủ tục hành chính là một loại quy phạm pháp luật qui định về trình tự về thời gian, về không gian khi thực hiện một thẩm quyền nhất định của bộ máy Nhà nước, là cách thức giải quyết công việc của các cơ quan hành chính nhà nước trong mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức và cá nhân công dân.
TTHC do các cơ quan Nhà nước ban hành để thực thi Hiến pháp và pháp luật nhằm thực hiện chức năng quản lý của nền hành chính nhà nước và hoàn thành nhiệm vụ của mình, đồng thời các cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm thực thi các thủ tục đó.
*Mục tiêu cải cách thủ tục hành chính.
Thứ nhất: phát hiện và xoá bỏ những TTHC thiếu đồng bộ, chồng chéo, rườm rà, phức tạp gây trở ngại trong việc tiếp nhận và xử lý công việc giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa cơ quan nhà nước với công dân và tổ chức.
Thứ hai: Xây dựng và ban hành các TTHC giải quyết công việc đơn giản, rõ ràng, thống nhất, đúng pháp luật.
*Phương thức cải cách thủ tục hành chính.
Thứ nhất, tiến hành rà soát lại toàn bộ các quy định hiện hành về TTHC, lệ phí và phí nhằm bãi bỏ ngay những quy định TTHC không đúng thẩm quyền và bổ sung, sửa đổi những thủ tục không còn phù hợp với thực tế.
Thứ hai, loại bỏ thủ tục hành chính không cần thiết, chồng chéo, sửa đổi những thủ tục rườm rà, bất hợp lý đảm bảo tính thống nhất, tính hợp lý, ổn định rõ ràng của TTHC, tính khoa học của quy trình thực hiện các TTHC đã ban hành.
Thứ ba, công bố công khai hệ thống các văn bản quy định TTHC.
* Nhu cầu cải cách nền hành chính nhà nước
Thứ nhất, đó là nhu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, đó là nhu cầu phục vụ sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, đó là nhu cầu dân chủ hóa xã hội.
Như vậy, cải cách hành chính trước yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền không chỉ nhằm tạo ra một cơ chế và một năng lực quản lý mới thích ứng với nền kinh tế thị trường và phát huy dân chủ xã hội, mà còn là nhu cầu tự thân của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước nhằm thực hiện tốt chức năng hành pháp trong điều kiện vận hành cơ chế phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
* Sự cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
– Thủ tục hành chính đảm bảo cho các quy phạm vật chất quy định trong các quyết định hành chính được thực thi thuận lợi. Khi thủ tục bị vi phạm thì có nghĩa hiện tượng vi phạm pháp luật xuất hiện và gây hậu quả nhất định.
– Thủ tục hành chính là cơ sở đảm bảo cho việc thi hành các quyết định được thống nhất và có thể kiểm tra được tính hợp pháp, hợp lý cũng như các hệ quả do việc thực hiện các quyết định hành chính tạo ra. Trong giai đoạn hiện nay, một số ngành chức năng quy định thủ tục theo mẫu in sẵn trong phạm vi ngành và lưu hành trên toàn quốc, do đó một công vụ ở bất cứ địa phương nào cũng đòi hỏi các cơ quan hành chính áp dụng các biện pháp thích hợp và thống nhất.
– Thủ tục hành chính khi xây dựng và vận dụng một cách hợp lý sẽ tạo ra khả năng sáng tạo trong việc thực hiện các quyết định quản lý đã được thông qua, đem lại hiệu quả thiết thực cho Nhà nước. Nó liên quan đến quyền lợi của công dân, do đó khi xây dựng và vận dụng tốt vào đời sống nó sẽ có ý nghĩa thiết thực, làm giảm sự phiền hà, củng cố quan hệ giữa nhà nước và công dân.
– Thủ tục hành chính là một bộ phận của pháp luật hành chính nên việc xây dựng và thực hiện tốt các thủ tục hành chính sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình triển khai và thực thi luật pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đứng trước vấn đề đó, chúng ta cần tích cực cải cách TTHC trên tất cả các lĩnh vực và tập trung hơn vào những lĩnh vực then chốt.
Xem thêm dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ
Bài viết liên quan
Phát triển đội ngũ lao động có trình độ cao cho các cơ quan nhà nước ở tỉnh Sơn La
Lời cảm ơn Mục lục Danh mục các chữ viết tắt PHẦN MỞ ĐẦU 1....
Th12
120+ Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực Đạt Kết Quả
Quản trị nguồn nhân lực là đề tài được nhiều học viên tham gia khóa...
Th12
100+Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Huy Động Vốn Đạt Kết Quả Tốt
Tài chính-Ngân hàng là một ngành học được nhiều sinh viên và học viên lựa...
Th11
350+Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Kế Toán Đạt Điểm
Kế toán là một ngành học được rất nhiều bạn lựa chọn cho chương trình...
Th11
150+Đề Tài Xây Dựng Chiến Lược Kinh Doanh, Marketing Cho Doanh Nghiệp
Xây dựng chiến lược kinh doanh, chiến lượng marketing cho doanh nghiệp luôn là mộn...
Th11
200+Đề Tài Phân Tích Báo Cáo Tài Chính-Luận Văn Thạc Sĩ
Để hoàn thành bài luận văn thạc sĩ thì việc lựa trọn đề tài phù...
Th11